Theo UBND huyện Hòa Vang, một trong những thành tựu lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn là các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp
Điển hình như khu ứng dụng công nghệ cao tại Trung Nghĩa 140ha, vùng nông nghiệp công nghệ cao Hòa Phú 20,9ha, vùng sản xuất nông nghiệp Hòa Khương 28,8ha, khu chăn nuôi tập trung Hòa Khương 10,9 ha, vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn Hòa Khương và xã Hòa Phong 16,2 ha.
Cũng có thể kể đến các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như vùng rau Túy Loan (HTX rau Túy Loan), vùng rau Phú Sơn Nam (An Tâm Farm), vùng sản xuất Hòa Ninh, Hòa Phú (HTX rau, hoa, củ quả Hòa Vang), HTX nấm Nhơn Phước, vùng hoa Dương Sơn…
Đáng chú ý, những năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã tăng cường hỗ trợ các HTX, từ đó giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đặc biệt là hoàn thành tiêu chí “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thắng, Giám đốc HTX rau hoa củ quả Hòa Vang cho hay, HTX là một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Đến nay, HTX đã mở rộng mô hình trồng rau an toàn bằng việc chi hơn 2 tỷ đồng đầu tư lắp đặt lồng kính, hệ thống tưới phun sương, mua sắm thiết bị trồng rau công nghệ cao.
Mỗi năm, trang trại rau cung ứng cho thị trường hơn 500 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng. HTX cũng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động là người Cơ Tu sinh sống tại địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế nông nghiệp là động lực xây dựng nông thôn mới tại Hòa Vang.
Trong đó, có 5 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao gồm: rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong), bưởi da xanh của HTX rau hoa củ quả Hòa Ninh (xã Hòa Ninh), rau ăn lá và dưa lưới của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Afarm (xã Hòa Phú) và kiệu hương xã Hòa Nhơn.
Dự kiến trong năm 2022, huyện tiếp tục hoàn thiện 8 sản phẩm OCOP và công nhận 15 nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm lúa gạo hữu cơ Hòa Vang, trứng cút Hòa Phước, rau sạch Cẩm Nê, rượu cần Phú Túc, ớt Bồ Bản, cây mía Hòa Bắc...
Tạo sức bật cho nông thôn mới
Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện Chương trình số 33-CTr/HU ngày 31/3/2020 của Huyện ủy Hòa Vang về đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn huyện tăng 4,46%/năm, sản lượng lương thực duy trì ở mức 29.500 - 32.500 tấn, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 55,05 triệu đồng, tăng 5,7% so với cuối năm 2020.
Những thành công trong xây dựng kinh tế nông nghiệp giúp huyện Hòa Vang đạt được những thành tựu không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư hiện đại hóa theo hướng đô thị với nhiều dự án lớn như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (La Sơn - Túy Loan), đường vành đai Hòa Phước - Hòa Khương, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường vành đai phía Tây, nâng cấp đường ĐT601, đường ĐH2.
Trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa, điện chiếu sáng, nước sạch, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững,
Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện tăng bình quân 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,08 triệu đồng (tăng 1,98 lần so với năm 2015), không còn hộ nghèo theo chuẩn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân 85 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang tập trung quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; duy trì, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; cân đối ngân sách thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Huyện cũng sẽ tham mưu, đề xuất TP Đà Nẵng đầu tư công 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phú (20,9ha), xã Hòa Phong và Hòa Khương (16,2 ha). Từng bước hỗ trợ hình thành, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp tham quan du lịch.
Theo Mỹ Chí